Lâm Đồng chuẩn bị khởi công 02 tuyến cao tốc trọng điểm trong tháng 9/2023

Lâm Đồng chuẩn bị khởi công 02 tuyến cao tốc trọng điểm trong tháng 9/2023

Tỉnh Lâm Đồng đang tập trung để có thể khởi công 02 dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương, nối liền thành phố Đà Lạt với Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong tháng 9/2023.

UBND tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm 02 dự án cao tốc mới

Ngày 3/4, đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đang tập trung hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi; điều kiện cần thiết để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng; lựa chọn nhà đầu tư… chuẩn bị các điều kiện để có thể khởi công 2 dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Tân Phú- Bảo Lộc và Bảo Lộc- Liên Khương, nối liền thành phố Đà Lạt với Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam trong tháng 9/2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết Thủ tướng Chính phủ đã xem xét kiến nghị của tỉnh và dự kiến bố trí phân bổ, hỗ trợ cho hai dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương và Tân Phú – Bảo Lộc với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng tương ứng.

Hiện, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Ban Quản lý các dự án giao thông tỉnh (đơn vị chuẩn bị dự án PPP) và các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình với từng nhiệm vụ; thực hiện công bố dự án, đăng tải thông tin về quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định ngay sau khi được phê duyệt.

>>>> Có thể ban quan tâm: Điểm sáng đầu tư 2023, Lâm Đồng chính thức ghi tên

Thông tin nhanh 02 dự án cao tốc sắp triển khai tại Lâm Đồng

Dự án cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc

Dự án cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Lâm Đồng dài 55km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe. Dự kiến tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, trong đó, phần vốn nhà nước chiếm 6.500 tỷ đồng, phần vốn sở hữu của các nhà đầu tư là 1.605 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.095 tỷ đồng.

Điểm đầu Dự án tại Km60+100 (trùng với điểm cuối của Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối Dự án tại Km126+360 (lý trình đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương), giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Dự án được đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 80km/h.

Tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án dự kiến khoảng 455 ha (tỉnh Đồng Nai khoảng 81 ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374 ha). Phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh với nền đường rộng 22m. Diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là 186,21 ha (rừng tự nhiên 126,37 ha, rừng trồng 59,85 ha); trong đó: tỉnh Lâm Đồng là 144,78 ha (rừng tự nhiên 123,29 ha, rừng trồng 21,49 ha), tỉnh Đồng Nai là 41,43 ha (rừng tự nhiên 3,08 ha, rừng trồng 38,36 ha).

Dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc- Liên Khương

Theo chủ trương được phê duyệt, cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương có tổng chiều dài khoảng 73,64 km. Điểm đầu tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc (điểm cuối dự án Tân Phú – Bảo Lộc). Điểm cuối tại Km200+000 giao với cao tốc Liên Khương – Prenn tại Km208+650, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng.

Tuyến cao tốc được đầu tư với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, tốc độ 100 km/h. Dự kiến tổng đầu tư 19.521 tỷ đồng; trong đó, phần vốn nhà nước 7.761 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư 11.760 tỷ đồng.

Dự kiến, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng gần 619 ha. Trong đó, TP. Bảo Lộc khoảng 66,73 ha; huyện Bảo Lâm khoảng hơn 44 ha; huyện Di Linh khoảng 292,5 ha và huyện Đức Trọng hơn 215 ha.

Cùng với 2 Dự án cao tốc quan trọng là Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương, trong thời gian sắp tới, tỉnh Lâm Đồng dự kiến triển khai một loạt các dự án giao thông quan trọng nhằm tăng cường tính kết nối với các tỉnh lân cận, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm. Trong đó, các dự án đáng chú ý bao gồm xây dựng các tuyến đường tỉnh, liên tỉnh, các tuyến đường vành đai. Dự kiến, hai dự án cao tốc này sẽ khởi công vào quý 3/2023 và được hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Việc triển khai các dự án giao thông này sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao tính kết nối, giúp tỉnh Lâm Đồng phát triển kinh tế – xã hội tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Nhờ vào sự đồng bộ và hiệu quả của các dự án, tính kết nối giữa các tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm sẽ được cải thiện đáng kể, tạo đà phát triển bền vững cho địa phương.

>>>> Xem thêm: Bất động sản Lâm Đồng giai đoạn 2022 – 2025 diễn biến ra sao? [dự đoán chuyên gia]